Lịch sử chợ Đồng Xuân
Cách đây hơn một thế kỉ, khi con sông Tô Lịch còn chưa bị lấp nhiều, người dân Kẻ Chợ vẫn thường tụ họp ở hai chợ nhỏ bên bờ sông: một chợ ở chỗ đền Bạch Mã thuộc phường Hà Khẩu (phố Hàng Buồm ngày nay), một ở bến và chùa Cầu Đông (phố Hàng Đường ngày nay). Hai cái chợ nhỏ họp ngay ngoài trời trên nền đất trống, bến thuyền tấp nập với đủ loại sản vật. Chợ còn họp lan sang đến Huyền Thiên (phố Hàng Khoai ngày nay) cạnh đó.
Đến năm 1889, chính quyền thành phố của người Pháp dẹp hai chợ này rồi dồn dân vào một chợ to hơn, là khu đất trống của phường Đồng Xuân. Đến năm 1890, chợ Đồng Xuân bắt đầu được xây khung sắt, mái tôn kẽm và trở thành ngôi chợ lớn nhất Hà Nội. Chợ có 3 cổng chính và 2 đường ngách, một thông sang Hàng Khoai và một ngõ nhỏ hơn thông sang Hàng Chiếu.
Năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Chợ Đồng Xuân nằm trong Liên khu một. Ngày 11/2 -13/2/1947, quân Pháp ném bom dữ dội toàn khu vực để hôm sau huy động hơn 400 lính lê dương từ nhiều phía tấn công chợ. Lực lượng vệ quốc quân và tự vệ của ta chỉ có 2 tiểu đội gồm 19 người với gậy gộc, mã tấu, rồi cả dao bầu, chai lọ trong chợ đã chiến đấu tại chợ suốt từ sáng đến chiều trong sự chênh lệch quá lớn về vũ khí. Cuối cùng, khi đã hi sinh gần hết, các anh mới chịu rút lui.
Sau này, chợ được xây lên 3 tầng rất khang trang và hiện đại. Nhưng đến năm 1994, một đám cháy lớn đã tàn phá hoàn toàn khu chợ, gây thiệt hại cực kì nghiêm trọng. Ngày nay, chợ Đồng Xuân đã được xây dựng lại, thiết kế và thi công đều được rút kinh nghiệm của lần xây trước nên có đủ hệ thống thông khí, cứu hỏa, cầu thang thoát hiểm. Chợ Đồng Xuân trở thành khu chợ Hà Nội hiện đại và có diện tích lớn nhất.
“Vui nhất có chợ Đồng Xuân”
Có hàng trăm khu chợ to nhỏ để mua sắm ở Hà Nội như chợ Hàng Da, Cửa Nam, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Bưởi, chợ Ngã Tư Sở… cùng những chợ xanh, chợ cóc. Nhưng chợ Đồng Xuân vẫn là đàn chị về mọi mặt. Có nhiều người tuổi đã cao nhưng mỗi năm vẫn đi chợ Đồng Xuân một vài lần, chẳng cần mua sắm mà chỉ dạo chợ ngắm chợ rồi ghé vào ăn một món quà.
Chợ Đồng Xuân là nơi buôn bán đủ thứ hàng hóa, từ thượng vàng đến hạ cám. Tất cả những sản vật quý hiếm, ngon lành của khắp các địa phương đều có mặt ở đây, từ vải vóc, tơ lụa, gấm nhung, đến con cá lá rau, hải sản tươi sống, rồi những nấm hương, măng rừng, quả núi… và cũng giống như tất cả các ngôi chợ Việt Nam khác là hàng quà. Chợ Đồng Xuân có riêng một khu dành cho các hàng quà, từ những món ăn đặc sản Hà Nội như bún thang, bún ốc, bún riêu, xôi vò chè đường, bánh cốm, bánh xu xê… đến bánh trôi, bánh chay, cháo lòng tiết canh, bánh dày, bánh giò… cho tới cả thuốc lào, chè xanh, tất cả đều nổi tiếng trong lành thơm thảo.
Những bà bán hàng ở chợ Đồng Xuân, bà nào cũng béo đẹp, nói năng khéo léo, mời chào đon đả, nhưng cũng có tiếng là nói thách và chua ngoa như bất cứ một bà ngồi bán hàng nào, nên nhiều người thường kháo nhau: Yêu nhất chợ Đồng Xuân nhưng cũng sợ nhất chợ Đồng Xuân. Vì mua bán không khéo thì “hớ” ngay…
Tết đến, chợ Đồng Xuân tấp nập khác hẳn ngày thường. Các bà, các chị cần mua sắm gì, Đồng Xuân đều có hết. Cân miến, lạp xường, cái giò lụa, hộp mứt, ít măng lưỡi lợn, rồi nấm hương, mộc nhĩ, con cà cuống… cho tới vải vóc, tơ lụa lộng lẫy. Các cụ ông cần giò thủy tiên về tỉa, quả phật thủ Lạng Sơn về bày, rồi chậu cây cảnh, con chim khiếu; trẻ em tìm con cá vàng; cô gái tìm mua bộ quần áo mới; hay người đàn ông kiếm tượng mấy chiếc cầu, lão tiều phu bằng gốm để gắn lên hòn non bộ… Chợ Đồng Xuân có thể làm thỏa mãn tất cả mọi người.
Chợ Đồng Xuân là hiện thân của lịch sử nhưng cũng đầy tính hiện đại. Nó đại diện cho kinh tế, nhưng cũng mang nét văn hóa của Hà Nội.Hãy một lần tìm tới địa điểm du lịch du lịch Hà Nội này và tự mình trải nghiệm một nét đặc sắc của thủ đô!