Các cơ quan chức năng thành phố đang kiến nghị mở rộng phạm vi hoạt động của loại hình này một cách hợp lý để không chỉ đáp ứng nhu cầu du lịch, mà còn phục vụ phát triển vận tải hành khách công cộng.
Tạo dựng hình ảnh văn minh
Mô hình xe điện 4 bánh có gắn động cơ chở khách du lịch trong khu vực hạn chế được thành phố Hà Nội thí điểm thực hiện từ năm 2010 với Công ty cổ phần Đồng Xuân là đơn vị tiên phong, phục vụ chuyên chở khách du lịch tham quan khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đến thời điểm này, thành phố có tổng cộng 179 xe điện của 8 doanh nghiệp đang hoạt động thí điểm tại 6 khu vực hạn chế, gồm: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; hồ Tây; khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm; tuyến kết nối hai điểm Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm - Hoàng thành Thăng Long; quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương); Khu du lịch làng cổ Đường Lâm. Toàn bộ các phương tiện của 8 đơn vị đang hoạt động đều được cấp biển số theo quy định của Bộ Công an; được kiểm định an toàn kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
“Quá trình thí điểm cho thấy, loại hình này có các ưu điểm như: Hạn chế tối đa lượng khí thải ra môi trường; không gây tiếng ồn trong quá trình vận hành, phương tiện có thiết kế nhỏ gọn, phù hợp với điều kiện của các khu du lịch, điểm tham quan, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông; giúp người dân, khách du lịch có thêm phương án lựa chọn phương tiện đi lại. Xe điện đã tạo dựng được hình ảnh mới, đẹp, văn minh về giao thông đô thị…”, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đào Việt Long đánh giá.
Chị Nguyễn Thị Lan Hương (thành phố Hải Phòng) chia sẻ: “Gia đình tôi lần nào đến Hà Nội cũng chọn xe điện để tham quan phố cổ vì thuận tiện, văn minh. Hành khách có thể dễ dàng đắm mình vào các không gian văn hóa, du lịch của Thủ đô ở những góc tiếp cận gần gũi”.
Đại diện đơn vị đầu tiên tham gia thí điểm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân Vũ Hà Thanh cho biết: “Qua 14 năm hoạt động, đơn vị đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ du khách trong và ngoài nước. Khoảng 8 triệu du khách sử dụng xe điện trong 14 năm qua thực sự là con số rất ý nghĩa. Cũng từ hiệu quả hoạt động của Công ty cổ phần Đồng Xuân trong khu vực phố cổ, thành phố đã cho phép các đơn vị, doanh nghiệp triển khai tại nhiều khu vực khác”.
Mở rộng vùng phục vụ
Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố cho phép các đơn vị tiếp tục được thí điểm hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại và tham quan du lịch của người dân trên địa bàn đến hết ngày 31-12-2024. Kể từ năm 2025, việc này triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đáng chú ý, Sở Giao thông vận tải đề xuất UBND thành phố kiến nghị, Bộ Giao thông vận tải xem xét mở rộng phạm vi hoạt động của loại hình này một cách hợp lý để không chỉ đáp ứng nhu cầu du lịch, mà còn phục vụ phát triển vận tải hành khách công cộng, tăng cường kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, giữa các tuyến đường sắt đô thị với xe buýt.
Phương tiện cần được đăng ký phù hiệu và sử dụng thiết bị giám sát hành trình như quy định dành cho ô tô tham gia kinh doanh vận tải. Cùng với đó, xây dựng quy định cụ thể về niên hạn sử dụng (không áp dụng đối với xe hoạt động trong đường nội bộ). Về điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp cần có ứng dụng phần mềm vận tải để hành khách đăng ký dịch vụ và cung cấp tài khoản cho các cơ quan quản lý nhà nước theo dõi; sửa đổi, bổ sung các chế tài xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động chở khách của xe điện 4 bánh…
Đề cập đến vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân Vũ Hà Thanh cho rằng, cần có khuôn khổ pháp lý đầy đủ để đưa hoạt động vào nền nếp. Hiện loại hình này cũng đã phát triển mạnh ở khoảng 30 tỉnh, thành phố trên cả nước nên cần được nghiên cứu đưa vào luật. Và, phát triển, mở rộng ở khu vực nào cũng cần tuân thủ quy định về luồng tuyến, số lượng phương tiện nhằm bảo đảm loại hình xe điện 4 bánh không bùng nổ, dẫn tới mất kiểm soát, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông.
“Chúng tôi sẵn sàng đầu tư phương tiện tốt, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ứng dụng phần mềm cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước. Với nội dung đưa xe điện thành loại hình vận tải hành khách công cộng, tôi cho rằng chỉ nên áp dụng trên những cung chặng ngắn, bán kính tối đa 10km đến các nhà ga đường sắt đô thị, điểm trung chuyển xe buýt lớn và có khả năng kết nối đến các điểm tham quan, du lịch để hút được khách sử dụng dịch vụ. Chúng tôi cũng mong các đơn vị tham gia thí điểm chung tay xây dựng hình ảnh xe điện ngày càng quy củ, văn minh”, ông Vũ Hà Thanh bày tỏ.