Chợ Đồng Xuân ngày nay (Nguồn ảnh: Wikipedia)
Vũ Hiệp: Cháu chào bác! Khi chứng kiến những công trình cải tạo hoặc bảo tồn di sản theo cái cách được gọi là “nguyên gốc” hiện nay, cháu chợt nhớ tới thời của các bác, với những công trình như Ga Hà Nội của KTS Hoàng Nghĩa Sang hay Chợ Đồng Xuân của KTS Lê Văn Lân, mới thấy các bác ngày xưa tư duy “thoáng đãng” thật!
KTS Lê Văn Lân: Có lẽ thời đó chúng tôi chưa có nhận thức gì nhiều về “di sản”. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng, công trình thời Pháp tuy đẹp thật, nhưng chúng đã là quá khứ và người Việt Nam cần xây dựng những cái hiện đại hơn, đàng hoàng hơn. Chúng ta không phá bỏ kiến trúc Pháp, nhưng cũng không “nhai lại” nó.
KTS Lê Văn Lân (Nguồn ảnh: Tạp chí Kiến trúc)
Vũ Hiệp: Về công trình Chợ Đồng Xuân, thiết kế năm 1988, khánh thành năm 1991. Cháu được biết lúc đó có một cuộc thi thiết kế lớn trong giới kiến trúc sư nhằm xây chợ Đồng Xuân mới, do công trình cũ đã quá xuống cấp. Rồi bác đã tham dự?
KTS Lê Văn Lân: Thực ra, tôi không tham gia cuộc thi đó. Sau cuộc thi tuyển với 13 đơn vị tham gia mà không có giải Nhất, Ban tổ chức hỏi ý kiến tôi. Tôi trả lời rằng tất cả các phương án đều không quan tâm thích đáng đến chợ cũ. Lãnh đạo Thành phố bảo tôi thử vẽ phương án xem sao. Không ngờ, họ lựa chọn để xây.
Phác thảo Chợ Đồng Xuân của KTS Lê Văn Lân (Nguồn ảnh: Tạp chí Kiến trúc)
Vũ Hiệp: Bác đã phá bỏ 5 dãy nhà khung sắt và chỉ giữ lại 3 tường hồi, rồi dựng một khối lớn, mạnh mẽ đằng sau. Nhưng chúng lại rất ăn nhập với nhau.
KTS Lê Văn Lân: Nhớ lại ngày đầu tiên ra Hà Nội để chuẩn bị thi vào lớp Kiến trúc - Xây dựng Khóa 1 Đại học Bách Khoa, tôi nghỉ tại khu phố cổ và rất ấn tượng với những tường hồi của chợ Đồng Xuân. Hình thức kiến trúc đó có tính biểu tượng. Nó cần phải giữ lại khi cải tạo. Nhưng tôi chỉ giữ lại 3 vòm tường hồi thay vì 5 vòm để tạo không gian thoáng xung quanh công trình.
Khó khăn nhất là tìm đường nét của khối chính sao cho hòa quyện với 3 đầu hồi cũ, rất cao và đầy góc nhọn; phác thảo nhiều vẫn chẳng thể ưng ý. Rồi cái giây phút vụt lóe bất chợt râm ran khó tả, cái thăng hoa của sáng tác kiến trúc sao mà sảng khoái đến vậy! Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được cái khoảnh khắc tìm ra được đường nét kết nối khối mới với đầu hồi cũ.
Chợ Đồng Xuân thời Pháp thuộc (Nguồn ảnh: Wikipedia)
Vũ Hiệp: Khối mới của chợ vừa như tôn trọng cái cũ, vừa như khẳng định được vị thế chức năng chính của công trình. Nhìn rộng hơn ra khu phố cổ, cái khối hiện đại này không hề lạc lõng giữa những công trình cũ nhấp nhô, nhỏ nhẹ xung quanh.
KTS Lê Văn Lân: Tôi cũng rất trăn trở để làm sao chợ có thể kết nối với khu phố cổ cả về mặt hình ảnh lẫn tổ chức không gian.
Về mặt hình ảnh, tôi tạo ra những ô cửa sổ “vụn vặt” trên mặt tiền để nó có thể hòa nhập với sự “vụn vặt” khu phố cổ. Không mấy người hiểu được ý tưởng đó, họ muốn nhìn thấy một diện “sạch sẽ” đúng theo ngôn ngữ Hiện đại. Nhưng tôi chú trọng nhiều hơn vào bối cảnh.
Về mặt tổ chức không gian, tôi đã tạo ra một hành lang ở tầng 1, như một loại “vỉa hè có mái che” để khắc phục kích thước quá hẹp của dải vỉa hè vốn có ở mặt chợ trước đây. Đó là một không gian tưởng như thuộc về chợ Đồng Xuân, nhưng nó lại là một không gian của đường phố Hà Nội.
Chi tiết bản vẽ
Vũ Hiệp: Vâng, đó là dạng thức “gallery” ở các khu chợ hay trung tâm thương mại, thường thấy ở châu Âu, Nam Mỹ. Ở Việt Nam cháu thấy rất hiếm dạng thức hành lang ở mặt tiền chợ như vậy. Chắc hẳn bác phải rất khó khăn để thuyết phục ban quản lý dự án?
KTS Lê Văn Lân: Đúng vậy. Tôi không dám giải thích với Ban quản lý rằng đây là một gallery mà chỉ nói là yêu cầu an toàn cho người sử dụng cần một hành lang như vậy. Hóa ra, đó là một sai lầm.
Vũ Hiệp: Sao lại sai lầm ạ? Cháu thấy ý tưởng đó thật tuyệt vời!
KTS Lê Văn Lân: Sai lầm ở chỗ tôi không giải thích trọn vẹn và thực chất ý tưởng của mình. Vậy nên, sau này người ta đã đặt một tượng đài có khối tích lớn chặn luôn tuyến không gian gallery đó. Đáng lẽ ra, chỉ nên là một bia tưởng niệm nhỏ nhắn để đảm bảo lưu tuyến thông suốt của hành lang.
Chợ Đồng Xuân sau khi xây dựng năm 1991 (Nguồn ảnh: Tạp chí Kiến trúc)
Vũ Hiệp: Hình như Chợ Đồng Xuân là công trình đầu tiên ở Hà Nội có thang cuốn bác nhỉ?
KTS Lê Văn Lân: Đúng vậy. Tôi có 2 cái tự hào là thiết kế công trình đầu tiên của Hà Nội sử dụng thang máy – Cung Thiếu nhi và công trình đầu tiên sử dụng thang cuốn – Chợ Đồng Xuân.
Vũ Hiệp: Còn vụ cháy chợ năm 1994 có khiến bác bị ảnh hưởng gì không?
KTS Lê Văn Lân: Sau vụ cháy, người ta kiểm tra hồ sơ thì thấy kiến trúc sư đã làm đúng. Nguyên do là bởi sự bất cẩn của người sử dụng cũng như chất lượng hệ thống cứu hỏa không tốt. Đối với công trình chợ, các yếu tố phòng hỏa và cứu hỏa phải đặt lên hàng đầu.
Người ta lại tiếp tục nhờ tôi cải tạo chợ sau khi cháy. Về cơ bản không thay đổi gì nhiều so với năm 1991, chỉ nâng cấp chất lượng phòng hỏa và đảm bảo công trình thông thoáng hơn.
Đồng chí Nguyễn Song Tùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị và đồng chí Hoàng Công Anh - Tổng giám đốc tham vấn ý kiến của Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lân
Vũ Hiệp: Có thể nói Chợ Đồng Xuân là một trong những công trình cải tạo được giới kiến trúc sư đánh giá cao. Theo bác, cần lưu ý những gì khi cải tạo công trình cũ?
KTS Lê Văn Lân: Đối với công trình cải tạo, người KTS phải trả lời những câu hỏi sau: Thứ nhất, hoàn cảnh ra đời của công trình là gì? Thứ hai, tại sao người ta đã làm như vậy? Thứ ba, bối cảnh hiện nay xung quanh công trình như thế nào? Tôi đã thiết kế Chợ Đồng Xuân với những câu hỏi đó.
Vũ Hiệp: Cháu cám ơn bác về cuộc trò chuyện này. Hy vọng, các dự án chỉnh trang, cải tạo tiếp theo của Chợ Đồng Xuân vẫn tiếp tục đạt được thành công như bác đã làm.
Nguồn: KTS Lê Văn Lân: Cải tạo công trình cũ phải hiểu rõ bối cảnh Bài viết: KTS Vũ Hiệp