Thúc đẩy giao thông Hà Nội
Trên thế giới không quá 10 nước có luật riêng cho thủ đô. Việc Thủ đô Hà Nội có được một bộ luật cho riêng mình thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua được xem như kim chỉ nam để Thủ đô bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Trước đó, ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (Luật số 39/2024/QH15). Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025, trừ 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Đó là việc quản lý, sử dụng không gian ngầm quy định tại Điều 19; Việc thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa quy định tại khoản 7 Điều 21; việc phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quy định tại Điều 23; việc thử nghiệm có kiểm soát quy định tại Điều 25 và việc thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao quy định tại Điều 40.
Luật Thủ đô 2024 đã thực sự mang đến những cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho Hà Nội, đặc biệt là hạ tầng giao thông. |
Luật Thủ đô năm 2024 gồm 7 chương với 54 điều (so với Luật Thủ đô năm 2012 nhiều hơn 3 chương và gấp đôi về số điều luật). Luật Thủ đô năm 2024 có nhiều điểm đổi mới và tầm nhìn đột phá, tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; đặc biệt là với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra.
Đáng chú ý, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có riêng một điều về không gian ngầm, tạo thuận lợi rất lớn cho khai thác không gian tiềm năng mới trong phát triển Thủ đô. Luật cũng quy định rất rõ vai trò, trách nhiệm của từng cấp, ngành trong thực hiện cải tạo, tái thiết đô thị.
Thực tế, một trong những khó khăn lớn nhất của Hà Nội nhiều năm qua là thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Muốn khơi thông nguồn vốn, tất yếu phải mở một hành lang pháp lý thuận lợi, chắc chắn để thu hút được nhà đầu tư, đồng thời vẫn tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước. Những đòi hỏi thực tiễn đó đã được đáp ứng nhờ có Luật Thủ đô 2024. Cụ thể, Luật Thủ đô 2024 cho phép Hà Nội bổ sung loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (sau đây gọi là hợp đồng BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng và chuyển giao công trình đó cho cơ quan có thẩm quyền sau khi hoàn thành; nhà đầu tư được thanh toán bằng ngân sách Nhà nước hoặc bằng quỹ đất. Trong khi đó, đối chiếu theo luật PPP (không sử dụng vốn Trung ương) hiện nay không có loại hợp đồng này và là trở ngại, khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án mới cũng như các dự án chuyển tiếp cũ của Thành phố.
Gắn phát triển đô thị với TOD
Hà Nội đã xác định mục tiêu phát triển đường sắt đô thị (ĐSĐT), giao thông công cộng khối lượng lớn nội vùng và liên vùng. Việc chế tạo hệ thống đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu, điều khiển đường sắt, điều khiển giao thông đô thị đều thuộc danh mục các lĩnh vực ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô.
Luật Thủ đô 2024 đã đưa ra hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù cho Nhà đầu tư chiến lược để tăng tính hấp dẫn như: miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; ưu tiên về thủ tục hải quan, về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án đầu tư do nhà đầu tư chiến lược thực hiện...
Những tồn tại, bất cập thực tế đã được các chuyên gia chỉ rõ như: thiếu quy định về thu hồi giá trị đất đai trong khi làm ĐSĐT; thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chung; bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục hành chính gây khó khăn cho các dự án ĐSĐT… Tất cả những vấn đề này sẽ được giải quyết về cơ bản căn cứ trên những quy định của Luật Thủ đô mới, khi Hà Nội được trao quyền tự quyết trong việc đầu tư, xây dựng các dự án ĐSĐT.
Ví dụ như Điều 37, Thẩm quyền về đầu tư tại Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra khái niệm: “Dự án trọng điểm của Thủ đô là dự án có quy mô lớn, có vai trò tạo động lực, sức lan tỏa, kết nối để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Vùng Thủ đô và cả nước. HĐND thành phố Hà Nội quy định Danh mục dự án trọng điểm của Thủ đô”.
Sơ đồ hệ thống các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội. |
Như vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã trở thành căn cứ pháp lý vững chắc cho phép HĐND thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách với Thủ đô. Đây sẽ là giải pháp then chốt để rút ngắn thời gian thực hiện cho các công trình trọng điểm, nhất là ĐSĐT.
Ở góc độ liên quan đến môi trường, ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, một trong những nguyên nhân xuất phát từ các phương tiện giao thông cá nhân, khi hiện có hơn 6 triệu xe máy, 800.000 ô tô đang hoạt động trên địa bàn thành phố, trong đó, có nhiều xe đã cũ vẫn hoạt động. Nếu không có biện pháp mạnh về giao thông xanh, không thể giúp Hà Nội giảm ô nhiễm.
Thời gian qua, đã có nhiều kiến nghị của các nhà tài trợ, chuyên gia nghiên cứu đề xuất tăng cường hệ thống giao thông công cộng xanh, nhưng thành phố còn thiếu số lượng xe buýt cũng như tuyến kết nối; còn nhiều xe chạy bằng diesel, trong khi nghiên cứu khoa học cho thấy, xe chạy bằng diesel gây ra nhiều khí thải gây ô nhiễm môi trường. Do đó, việc chuyển sang xe buýt xanh là xu hướng tất yếu.
"Với mục tiêu năm 2035 chuyển sang 100% xe buýt xanh, tôi nghĩ rằng hành trình này không phải của tương lai xa, mà đang diễn ra, và cần diễn ra càng sớm càng tốt, vì đây là yêu cầu tất yếu khi có hạ tầng rất phát triển của các doanh nghiệp như Vingroup. Hơn nữa, theo Luật Thủ đô vừa được Quốc hội ban hành, ở các vùng phát thải thấp, sẽ có những vùng hạn chế việc ô nhiễm do xe máy, ô tô gây ra. Cùng với nhận thức của người dân, việc chuyển sang xe buýt xanh là xu hướng tất yếu", ông Hoàng Dương Tùng nêu quan điểm.