Chợ Đồng Xuân, trải qua bao thăng trầm, ngày nay vừa lưu giữ được kiến trúc đẹp, cổ kính lại vừa mang vóc dáng hiện đại. Chợ Đồng Xuân là niềm tự hào của người Hà Nội, không những lớn về tầm vóc quy mô, mà còn lớn ở sự lan tỏa văn hóa, đồng thời là một nhân chứng của lịch sử Thăng Long Hà Nội, mãi là một địa chỉ trân trọng không thể thiếu cho những lớp người Hà Nội về cả phương diện thương mại lẫn văn hóa.
|
Chợ Đồng Xuân xưa
Chợ Đồng Xuân hình thành năm 1889 do người Pháp lập nên sau khi bồi lấp dòng chảy của sông Tô Lịch và sông Hồng. Người dân trước đây tụ họp hai bên sông, trên bến dưới thuyền, hoạt động, buôn bán bằng đường thuỷ là chính. Theo dòng chảy của thời gian, sông Tô Lịch được phù sa bồi đắp, hình thành một bãi bồi và người Pháp dồn dân về buôn bán tại đây, thế là nơi đây trở thành chợ. Từ khi mới hình thành, chợ Đồng Xuân hoạt động giao thương rất thuận lợi, đặc biệt khi người Pháp xây dựng cầu Long Biên thì buôn bán của các thương nhân ngày càng phát triển do vị trí đắc địa về cả đường bộ, đường thuỷ và đường sắt. Người Hà Nội từng nhớ tới chợ Đồng Xuân qua câu:
“Hà Nội là Động tiên nga
Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần
Vui nhất là chợ Đồng Xuân”…
Tết đến, chợ Đồng Xuân tấp nập khác thường. Các bà các chị cần mua gì, Đồng Xuân có hết, từ cân miến tàu, ký lạp xường, chiếc giò lụa, hộp mứt sen, ít măng lưỡi lợn, nấm hương, mộc nhĩ, con cà cuống...cho chí vải vóc, tơ lụa, gấm nhung lộng lẫy. Các cụ ông thì đắm đuối với giò thuỷ tiên, chậu cây cảnh, con chim khiếu, và trẻ em lại mê mải với con cá vàng, chục pháo dây...Cánh phụ nữ thì không thể không tìm mua kim chỉ, bộ khuy bấm để làm đẹp cho quần áo ngày Tết. Ông phán già tìm mấy chiếc cầu, lão tiều phu bằng gốm để gắn lên hòn Nam Bộ...Chợ Đồng Xuân đã làm thoả mãn tất cả. Và ai đi chợ cũng không thể nào cầm lòng được trước những dãy hàng quà bốc hơi nghi ngút, nào bún ốc, riêu cua, bún thang, cháo lòng tiết canh cho tới xôi vò, chè đường, bánh đậu xanh, bánh cốm, xu xuê, bánh dày, bánh giò, bát nước trà xanh đầy hương vị quê hương
Ba điểm mới của chợ Đồng Xuân
Ngày nay, chợ Đồng Xuân được xây dựng lại với qui mô lớn hơn trước nhưng vẫn giữ được một phần kiến trúc mặt tiền của chợ cũ. Chợ được xây 3 tầng khang trang, rộng rãi, có hệ thống thang máy đưa khách lên xuống và vận chuyển hàng hóa. Toàn chợ có 2.142 sạp hàng và 70 ki-ốt bán hàng bao quanh, kinh doanh 24 ngành hàng. Đi chợ Đồng Xuân ngày Tết vẫn luôn là thói quen không thể thiếu với mỗi người Hà Nội. Có nhiều người tuy tuổi đã cao nhưng mỗi năm Tết đến, xuân về vẫn đi chợ một vài lần không chỉ để mua sắm mà cho thỏa nỗi nhớ chợ xưa.
Quả là thăm chợ Đồng Xuân trong những ngày giáp Tết, mới cảm nhận hết được không khí náo nức, phấn khởi của du khách khắp nơi khi bước vào mùa xuân. Ông Đỗ Xuân Thuỷ, Tổng giám đốc công ty cổ phần Đồng Xuân, đơn vị trực tiếp tổ chức quản lý, khai thác chợ khẳng định: “Công ty sẽ tiếp tục xây dựng chợ Đồng Xuân thành chợ truyền thống mang đậm nét người Tràng An. Đồng thời, chúng tôi còn phấn đấu thực hiện nhiều dự án mới vừa khôi phục, phát huy giá trị văn hóa lịch sử của chợ Đồng Xuân vừa hướng tới mục tiêu hiện đại hóa, văn minh phù hợp với nhịp sống mới”.
Quả thật, nhiều năm qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của ban lãnh đạo, nhân viên của toàn công ty, người dân Thủ đô đã được chứng kiến những dự án mới đầy ý nghĩa. Đầu tiên là sự ra đời của chợ đêm Đồng Xuân và phố đi bộ bắt đầu từ năm 2003. Trước khi dự án này ra đời, đã có nhiều ý kiến lo ngại liệu có thành công khi mà giao thông trên những con phố cổ trở nên quá tải, khi phải sắp xếp lại cuộc sống của cư dân phố cổ. Tuy nhiên, sau một thời gian vận động bà con và được sự ủng hộ cao nhất của các cấp, các ngành, chợ đêm Đồng Xuân đã ra đời, tô điểm thêm một nét đẹp về đêm của phố cổ Hà Nội. Chợ đêm Đồng Xuân đã mang lại sự thích thú vô cùng cho khách nước ngoài, khách du lịch từ mọi miền đất nước và ngay cả những người dân Thủ đô. Còn gì thú vị bằng khi cả ngày tất bật với làm ăn, buôn bán, bụi bặm, ban đêm, du khách được thư thái đi bộ trên những con phố cổ hiền hòa, trầm mặc để rồi cảm nhận được không gian yên bình và lãng mạn ngay giữa lòng thành phố. Không chỉ tấp nập mua bán nhiều mặt hàng truyền thống từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Việt Nam, chợ đêm Đồng Xuân còn rất cuốn hút du khách bởi một thế giới ẩm thực thu nhỏ với nhiều món ngon nổi tiếng đất Hà thành.
Sự hấp dẫn của chợ đêm Đồng Xuân khiến cho khách đến chợ ngày một đông. Mặc dù lượng khách tăng nhưng vấn đề an ninh, trật tự ở đây luôn được đảm bảo. Đội ngũ bảo vệ của Cty cổ phần Đồng Xuân thực sự là những “người lính” dày dạn kinh nghiệm. Để đảm bảo an toàn cho chủ và khách lâu dài, những năm qua Cty cổ phần Đồng Xuân đã phát động phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh” và phong trào “Tổ chức quản lý chợ an toàn - văn minh - hiệu quả”. Do vậy, các tệ nạn xã hội từ nhỏ đến lớn đều được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, công tác phòng chống cháy nổ cũng được chú trọng thường xuyên. Hàng năm, công ty đầu tư hàng trăm triệu đồng cho công tác bảo dưỡng, bổ sung thiết bị phòng cháy chữa cháy. Lực lượng chữa cháy tại chỗ luôn sẵn sàng dập tắt những sự cố cháy nổ có thể xảy ra.
Điểm mới thứ hai khi ghé thăm chợ Đồng Xuân đó là dự án xe điện vòng quanh 36 phố phường.Những chuyến xe điện của công ty cổ phần Đồng Xuân Hà Nội đã mang tới một thay đổi bất ngờ: mỗi ngày có hàng trăm du khách và người dân Thủ đô xếp hàng để được thăm quan phố cổ. Dự án du lịch phố cổ bằng xe điện, một công trình chào mừng Thủ đô Hà Nội tròn 1000 tuổi đã được ban lãnh đạo công ty cổ phần Đồng Xuân ấp ủ từ nhiều năm nay, giờ đây đã vận hành trôi chảy. Ông Đỗ Xuân Thủy phấn khởi cho biết:"Trung bình mỗi ngày phương tiện này vận chuyển được hơn 500 hành khách, riêng các ngày cuối tuần khoảng 700 đến 800 hành khách. Trong số đó có 50% là người dân Thủ đô, 20% là người dân các tỉnh, thành phố khác và 30% là khách du lịch nước ngoài". Các du khách nước ngoài cũng bày tỏ sự hào hứng khi dạo chơi Hà Nội bằng xe điện, chị San-đờ-ra, du khách đến từ Đức cho biết: "Tôi rất thích đi xe điện vì an toàn hơn hẳn xe xích lô, hơn nữa, tôi còn được trò chuyện cùng rất nhiều du khách khác và cả các bạn trẻ người Việt nên không khí trên xe điện rất vui".
Năm mới, thêm nhiều dự án mới
Cũng trong Xuân mới này, một dự án thiết thực, mang đậm nét văn hóa mà Công ty cổ phần Đồng xuân đã hoàn thành đó là xuất xưởng tác phẩm điêu khắc mang tên: “Một ngày mới” trên chất liệu đồng, gốm, hình ảnh chợ Đồng Xuân trong lòng phố cổ. “Chúng tôi đã ấp ủ dự án nhiều năm qua, tham khảo ý kiến của nhiều họa sỹ, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội và bây giờ mới thực sự ưng ý để giới thiệu với bạn bè gần xa món quà lưu niệm này”, ông Thủy tâm sự. Còn nhà điêu khắc Minh Long, tác giả của tác phẩm này bật mý: “Giá trị văn hóa, lịch sử của chợ Đồng Xuân rất to lớn nên nhiệm vụ của họa sỹ rất khó khăn là làm thế nào để lồng ghép rất nhiều ý tưởng đó trong một tác phẩm nghệ thuật. Cuối cùng, chúng tôi chọn hình ảnh chợ Đồng Xuân làm nổi bật, xa xa là phố cổ lung linh và cầu Long Biên. Và tất nhiên, một hình ảnh không thể thiếu đó là người con gái Hà Nội xưa mặc áo dài nghiêng nghiêng nón lá, hy vọng du khách và những ai yêu Hà Nội sẽ có một món quà lưu niệm ý nghĩa khi tới thăm chợ Đồng Xuân”.
Đau đáu với tiềm năng dồi dào của văn hóa ẩm thực Thủ đô mà chưa khai thác hết, mới đây Công ty cổ phần Đồng Xuân, đã trình UBND Thành phố đề án mở rộng không gian đi bộ sang các tuyến phố thuộc khu vực bảo tồn cấp I của khu phố cổ, trong đó khôi phục lại văn hóa ẩm thực kinh kỳ. Không gian đi bộ lần này sẽ được mở rộng vào các tuyến phố Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiền - Đào Duy Từ. Nơi đây còn lưu giữ được những công trình được xây dựng từ thế kỷ thứ 18-19 với dáng vẻ kiến trúc cổ. Đặc trưng của các khu phố này là nơi có các món ăn đặc sản nổi tiếng một thời của Hà Nội mang đậm dấu ấn của người Việt, người Hoa. Ông Đỗ Xuân Thủy bộc bạch: “Sắp tới, khu đi bộ mở rộng sẽ sắp xếp lại trật tự các quán xá với số lượng hạn chế dưới lòng đường, thay vào đó là trang trí để tạo những điểm nhấn trong không gian. Chúng tôi cũng sẽ tập huấn cho những người bán hàng kỹ năng phục vụ khách, sao cho văn hóa, văn minh xứng đáng là người Tràng An. Đồng thời, sẽ mời các họa sỹ có tâm huyết để thiết kế sao cho khu phố phải thật ấn tượng”.
Trong quá trình hình thành và phát triển từ 61 phường của Thăng Long thời Trần, 36 phố phường của Đông Kinh thời Lê với những phố giăng mắc cửi đường quanh bàn cờ đến bây giờ Hà Nội có thêm hàng trăm phố phường với muôn mặt cuộc sống đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, chợ Đồng Xuân vẫn là một trung tâm văn hóa và cái văn hóa chợ này còn lan tỏa tới nhiều ngôi chợ giữa lòng Hà Nội. Đó là phong thái kinh doanh đa dạng và rất tinh tế của người Hà thành. Mong rằng, trong năm Nhâm Thìn này, những dự án đầy ý nghĩa cho chợ Đồng Xuân sẽ thành hiện thực, để ngôi chợ thêm đông, thêm rộn ràng góp phần tô điểm bản sắc văn hóa kinh doanh vốn dĩ rất hay, rất đẹp của người đất kinh kỳ xưa và người Hà Nội nay.