Chợ Đồng Xuân: Một nét văn hóa, một điểm đến du lịch của Hà Nội

Như nhà văn Băng Sơn nói : “Ai có dịp về Hà Nội, nếu chưa đi chợ Đồng Xuân thì coi như mới biết một phần nhỏ, một góc bé, hoặc chưa đến Hà Nội”.

Là một trong những công trình được người Pháp xây dựng sớm nhất ở Hà Nội, cho đến nay chợ Đồng Xuân vẫn là một đầu mối giao thương vào loại lớn nhất thủ đô.
Năm 1888 với việc thành lập thành phố Hà Nội, người Pháp bắt tay vào quản lý và xây dựng Hà Nội như một thành phố “nhượng địa”. Ngày 6/4/1888, chính quyền đã ký một quyết định thành lập một ngôi chợ mới. Công trình chợ Đồng Xuân được xây dựng do công ty thầu khoán Poinsard Veyret của Pháp cung cấp phần khung thép và mái, còn một nhà thầu khác đảm nhận thi công.

 

 

Chợ được thiết kế tương đối đơn giản: Toàn bộ gồm 5 dãy nhà và được phân theo các vòm cuốn mặt trước, bên trong phân cách bởi các đường đi giữa các vòm (mỗi vòm chợ dài 52m, khung thép cao 19m, rộng 25m). Các bộ khung bằng sắt, lợp tôn mái chảy, diện tích khoảng 6500 m2. Có 3 cổng vào chợ, và 2 ngách, một thông sang Hàng Khoai, một sang Hàng Chiếu.
Sau khi khánh thành, Đồng Xuân trở thành chợ lớn nhất Hà Nội. Trong văn bản chính thức, người Pháp gọi là “Les Halls centrales” hay “Grand Marché” nhưng dân vẫn lấy tên tổng Đồng Xuân để đặt cho tên chợ. Nét khác biệt của chợ Đồng Xuân không chỉ vì nó rộng mà còn vì được lắp đặt bằng khung thép và lợp mái tôn, những vật liệu rất mới và ưu việt lúc bấy giờ.
Trong những ngày toàn quốc kháng chiến, chợ Đồng Xuân nằm trong Liên khu Một trở thành chứng nhân cho chí khí của quân và dân thủ đô. Tiểu đoàn 101 Đồng Xuân đã làm nên trận đánh chợ Đồng Xuân ngày 14 - 2 – 1947. 
Năm 2005, nhân dịp Hà Nội kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố đã dựng bức phù điêu Hà Nội mùa đông năm 1946 ngay cạnh chợ Đồng Xuân nhằm tưởng nhớ những người đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ Thủ đô. Trải qua bao năm tháng chiến tranh cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chợ Đồng Xuân vẫn luôn là chợ đầu mối bán buôn lớn của khu vực phía Bắc.
Chợ Đồng Xuân - Bắc Qua ngày nay nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội, với diện tích hơn 14 000 m2 và trên 2000 hộ kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau. Đây là trung tâm bán buôn hàng hoá lớn nhất khu vực phía Bắc, thường xuyên cung cấp nhiều mặt hàng tới hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, góp phần đáng kể vào việc phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều địa phương. 
Hiện nay không chỉ những người mua bán hàng hoá tìm đến chợ Đồng Xuân để giao thương, nhiều khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Hà Nội thường đến tham quan và mua sắm ở chợ Đồng Xuân. Khu chợ nằm ngay trong khu phố cổ, không xa các phố nổi tiếng bán đồ lưu niệm, thời trang, như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Gai...lại gần khu di tích Đền Ngọc Sơn... rất tiện cho một chuyến tham quan ở khu trung tâm thành phố.

 

 

Không chỉ là nơi buôn bán huyên náo, nhộn nhịp nhất Hà thành, chợ Đồng Xuân còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tinh thần phản ánh cuộc sống, sinh hoạt của người dân kẻ Chợ xưa và cũng là điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi dừng chân ở Hà Nội. Hay nói như nhà văn Băng Sơn: "Ai có dịp về Hà Nội, nếu chưa đi chợ Đồng Xuân thì coi như mới biết một phần nhỏ, một góc bé, hoặc chưa đến Hà Nội".
Mới đây UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức Hội thảo khoa học về về việc xây dựng và tu sửa chợ Đồng Xuân thành khu trung tâm thương mại vì chợ này xuống cấp, thiếu chỗ để xe, quá tải về giao thông…
Trước thông tin chợ Đồng Xuân sẽ bị đập bỏ xây mới, hàng trăm tiểu thương chợ Đồng Xuân đã kịch liệt phản đối. Nhiều tiểu thương lo ngại việc đập bỏ chợ Đồng Xuân và xây mới sẽ ảnh hưởng đến việc làm ăn, buôn bán đang ổn định.
Trước sự việc trên, sáng ngày 9/4, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản thông báo với các tiểu thương Đồng Xuân khẳng định không đập bỏ, xây dựng chợ Đồng Xuân thành Trung tâm thương mại giống như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam…

Nguồn: Toquoc.vn

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận