Đồng Xuân, chốt thép giữa lòng địch

Những ngày tháng 7, tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng, bắt gặp hình ảnh hàng dài những đoàn người xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt được thắp hương tưởng niệm bên tượng đài Hà Nội mùa đông 1946 khiến người ta không khỏi bồi hồi và xúc động.

Mới đây, chúng tôi may mắn được theo chân những bậc tiền bối -nơi họ đã từng là những quyết tử quân trong 60 ngày đêm khói lửa cách đây hơn 70 năm. Dù hầu hết các cụ đều đã ở tuổi ngoài 90, nhưng bước chân vẫn thoăn thoắt trên từng bậc thang đã cũ, len lỏi trong khu phố cổ Đồng Xuân và

Cùng theo chân những bậc tiền bối Cách mạng hồi tưởng về những năm tháng hào hùng, trở lại khu phố cổ Đồng Xuân - nơi diễn ra trận đánh lớn nhất của Liên khu 1 anh hùng trong chiến dịch 60 ngày đêm khói lửa năm 1946:

Hình ảnh nhân dân khuân bàn, ghế, tủ, giường xếp ngang đường và cưa, chặt cây đổ... làm chướng ngại vật; các đội tự vệ củng cố công sự, tổ chức cảnh giới, tuần tra, canh gác; các nữ cứu thương tìm kiếm thêm bông băng, ống tiêm, thuốc cấp cứu, đưa vào kho dự trữ; các chị cấp dưỡng chuẩn bị thêm nồi, xanh, chảo, tìm nhà có giếng nước làm nơi đặt bếp thổi cơm, nấu nước; một bộ phận do ban quân lương của khu phố chỉ huy, vào chợ Đồng Xuân chuyển hết các thứ thực phẩm còn lại trong chợ đưa về nơi quy định để làm thức ăn cho các đơn vị... vẫn vẹn nguyên trong hồi ức của những cảm tử quân năm ấy.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô nhớ lại: Đến gần 1 giờ sáng 20-12-1946, cuộc chiến đấu ở trong khu phố đã tạm thời lắng xuống. Quân ta ở Hàng Đậu, đầu cầu Long Biên, Hàng Than đã chiến đấu ngoan cường, mưu trí và làm cho địch phải khiếp sợ. Sự thiệt hại của địch không nặng, nhưng kết quả các trận đánh chứng minh cách đánh của chúng ta có hiệu quả đối với xe tăng, xe bọc thép.

“Phán đoán địch có thể đánh mạnh ngày 20-12, nhưng mãi đến xẩm tối, có chừng 20 lính Tây đi hàng dọc từ ngã tư Hàng Đậu - Hàng Giấy, men theo nhà hai bên phố Hàng Giấy, tiến về phố Đồng Xuân. Thấy chỉ có bộ binh địch, các chiến sĩ tự vệ phố Đồng Xuân bắn tới tấp vào đội hình của chúng. Phần vì bắn chưa thạo, súng lại giật mạnh, phần vì hồi hộp vội vàng, nên các chiến sĩ bắn không trúng đích. Địch sắp tới ngã tư Hàng Giấy - Hàng Khoai, đồng chí Nguyễn Đình Cơ, Chính trị viên Trung đội 1 ra lệnh cho anh em chuẩn bị lựu đạn, pháo ném, đồng thời nhanh trí bỏ một bánh pháo vào thùng sắt tây rồi đốt cho pháo nổ trong thùng để làm giả súng máy. Bọn Pháp lúc đầu nghe tiếng súng trường thì coi thường, đến khi nghe tiếng nổ rền, lại thấy từ các lỗ châu mai ánh chớp lập lòe, chúng tưởng là súng máy thật, liền xô nhau chạy. Các chiến sĩ thấy giặc bị mắc lừa thì thích quá, hô to “Xung phong” làm cho địch càng thêm hoảng sợ. Thắng lợi này làm cho anh em vững tâm chiến đấu hơn. Kinh nghiệm “bắn súng máy” được phổ biến ngay cho đại đội tự vệ phố Đồng Xuân và cho các đơn vị trong khu phố Đồng Xuân”-Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên Trung đội phó Quyết tử quân khu Đồng Xuân kể.

Sau nhiều ngày, quân dân khu Đồng Xuân vẫn tiếp tục chiến đấu ngoan cường, không những hiên ngang đứng vững trước sự manh động của địch mà còn chủ động phục kích, tập kích, quấy rối làm cho chúng bị động, hoang mang. Đã xuất hiện những tấm gương chiến đấu dũng cảm, ngoan cường. Đó là chiến sĩ Hạnh. Khi đồng đội bị thương đã nhanh nhẹn, vừa quét tiểu liên, vừa chuyển lựu đạn cho đồng đội tạo cơ hội cho bộ phận cứu thương đưa thương binh đi. Trong khi ấy, với một tay nắm chặt túi thuốc, một tay rút chốt ném lựu đạn, nữ cứu thương Nguyễn Thị Bích Hạnh liên tục bám sát tiểu đội xung phong. Hỏa lực của các chiến sĩ cũng bắn dồn dập, ép địch vào cuối dãy nhà hẹp buộc phải tháo lui. Thừa cơ, nữ cứu thương Hạnh mang được thương binh về chùa Huyền Thiên băng bó rồi nhờ anh em khác chuyển về phía sau. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Bích Hạnh được đi học cao hơn và khi hòa bình lập lại, bà về công tác tại Bệnh viện Bạch Mai đến khi nghỉ hưu.

Hay đó là 4 em liên lạc là Hải Long (17 tuổi), Nguyễn Mùi (13 tuổi), Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Văn Đóa (9 tuổi), đã xung phong mang truyền đơn đi rải ở trụ sở Công an Quận 2. Mặc dù đêm đông mưa phùn gió rét, nhưng bốn em đều cởi trần, mặc quần đùi, luồn qua các lỗ đục tường quen thuộc để đi về giữa làn đạn của địch...

Đại tá Nguyễn Bội Giong nhớ có lần địch đã đánh chiếm được nhà Hoa Nam (49-51 Hàng Giấy), nhưng sợ bị cô lập nên phải rút. Lợi dụng thời cơ ấy, Ủy ban kháng chiến đã đưaTrung đội chủ lực Thư Chương tiến lên chiếm giữ vùng đệm dọc đường xe lửa, từ Hàng Khoai ra đến gầm cầu, để đưa tuyến phòng ngự của quân ta vươn ra xa và áp sát quân địch. “Đây là điều hơi quá sức nên quân ta chỉ đóng giữ một số chốt trên đường giáp ranh, đối diện với những điểm xuất phát của địch đi tấn công quân ta, như cuối ngõ Hàng Khoai, đầu đường Hàng Khoai, gầm cầu Hàng Giấy, ngã tư Hàng Cót, Hàng Lược, và đối diện với các vị trí địch ở đầu cầu Long Biên, bốt Hàng Đậu (trước tháp nước tròn), Nhà Louis Chức 15-A Hàng Cót, 24 Hàng Cót. Như vậy, kẻ địch ló mặt ra là gặp ngay một tổ chiến đấu nào đó của Trung đội Thư Chương, nên hầu như ngày nào cũng bắn nhau, hoặc đánh nhau”, ông kể.  

Trong niềm tự hào về những ngày chiến đấu ngoan cường ấy, các chiến sĩ quyết tử năm nào không khỏi ngậm ngùi khi nhớ tới những đồng đội đã ngã xuống. Chỉ một ngày 14-2-1947, ta hy sinh 15 người, bị thương 19 người. Đây là trận đánh quy mô lớn giữa một bên là lực lượng quân sự chính quy rất mạnh của đế quốc Pháp, một bên là những chiến sĩ cảm tử Tiểu đoàn Đồng Xuân thuộc Trung đoàn Thủ đô Liên khu 1, trang bị kém cỏi bằng vũ khí thô sơ. Trong trận này, toàn thể cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã trực tiếp tham gia chiến đấu với tinh thần cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Kết thúc trận đánh, lực lượng của tiểu đoàn chỉ còn hơn 100 người nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn vững vàng, tin tưởng sắt đá vào sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương, tình đoàn kết chiến đấu càng gắn bó keo sơn. Với tuyến phòng ngự bố trí liên hoàn từ Hàng Đồng - Hàng Mã - Hàng Chiếu - Ô Quan Chưởng - Chợ Gạo và những trận tập kích khu chợ Đồng Xuân kéo dài nhiều ngày sau đó, tiểu đoàn đã tiếp tục giam chân địch ở phía Bắc Liên khu 1 đến khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội đêm 17-12-1947.

 Cuộc chiến đấu của quân dân khu Đồng Xuân cứ thế tiếp tục trong vòng vây của địch. Lương thực và đạn dược vơi dần. Nhưng quân địch lúc này cũng đang phải lo đánh ra phía ngoài, nên không đủ sức tiến công mạnh các đơn vị trong vòng vây của chúng. Quân dân ta được tôi luyện trong khói lửa chiến tranh và có nhiều sáng kiến khi chiến đấu, nên đã giam chân được địch ở khu Hàng Đậu, đầu cầu Long Biên, đầu phố Hàng Cót và Hàng Gà. Địch mỗi lần ra đều phải trả giá đắt. Suốt 60 ngày đêm khói lửa, quân và dân khu Đồng Xuân đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, giam chân địch tại trung tâm Hà Nội để ta có thời gian đưa các lực lượng lên chiến khu an toàn...

Nguồn: SONG THANH (Báo QĐND online)

Đồng Xuân, chốt thép giữa lòng địch (qdnd.vn)

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận