CTCP Đồng Xuân được thành lập theo Giấy phép số 2548/GP-UBND ngày 20/6/1996 của UBND TP.Hà Nội, là doanh nghiệp có cổ phần Nhà nước chi phối chiếm 71% với chức năng chính là tổ chức quản lý, khai thác, cho thuê mặt bằng, cung cấp các dịch vụ tại chợ Đồng Xuân - chợ bán buôn lớn nhất khu vực phía Bắc. Chợ Đồng Xuân có khoảng hơn 2000 gian hàng đang hoạt động, được chia làm 3 tầng với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, trong đó tầng 1 bán chủ yếu hàng nông sản khô và đồ dùng các nhân, đồ gia dụng, đồ điện tử thiết yếu trong gia đình; tầng 2 bán buôn, bán lẻ quần áo cho người lớn và các loại vải vóc, gấm, lụa, vv. Tầng 3 bán đồ dành cho trẻ sơ sinh. Phía sau chợ là khu vực bán thực phẩm tươi sống, rau củ quả trái cây.
Theo báo cáo khảo sát của Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hà Nội (Công ty Môi trường Sông Hồng), ước tính trung bình khối lượng rác phát sinh một ngày tại chợ khoảng 13 đến 16 xe rác 500L tương đương 2,7 đến 3,36 tấn/ngày với chủ yếu là rác thải tái chế gồm bao bì bọc sản phẩm, bao tải, bìa carton, dây nhựa/vải… và rác thực phẩm/ hữu cơ tập trung tại các gian hàng thực phẩm tươi sống, rau củ, trái cây, gian hàng kinh doanh ăn uống.
Hiện Công ty đã bố trí 20 – 30 thùng rác 60L tại các khu vực hành lang, cầu thang mỗi tầng đảm bảo phù hợp với diện tích chợ. Công ty cũng quy định không để rác tồn đọng qua đêm tại tất cả các khu vực; quy định về bỏ rác đúng chỗ nhưng việc thực hiện chủ yếu phụ thuộc vào ý thức tiểu thương. Cùng với đó, Công ty cũng làm việc với công ty vệ sinh 3S, thường xuyên vệ sinh khu vực xung quanh và bên trong chợ để giữ gìn vệ sinh chung, phối hợp giám sát, nhắc nhở trực tiếp các hộ kinh doanh khi vi phạm quy định. Tuy nhiên, chưa có quy định về việc phân loại rác tại nguồn do đó làm giảm khả năng phân loại rác tái chế của công nhân Vệ sinh môi trường.
Đ/c Hà THị Minh - Phó Tổng Giám đốc làm việc với Tổ dự án thưc hiện mô hình "Chợ không rác"
Để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, ngày 29/5/2024, Ban Tổng giám đốc đã làm việc với tổ dự án thực hiện mô hình Chợ không rác nhằm thống nhất chủ trương, đề ra các nhiệm vụ trong thời gian tới:
- Tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức của người kinh doanh về mục đích, ý nghĩa của việc phân loại rác thải tại nguồn, thực hiện mô hình “chợ không rác với nhiều hình thức như: Phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh của chợ; Thông qua các hội nghị thường kỳ, qua cán bộ quản lý ngành hàng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ chợ, đội ngũ tổ trưởng, tổ phó ngành hàng để tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ kinh doanh; Các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện phân loại rác tại nguồn; In tờ rơi hướng dẫn phân loại rác. Sử dụng thẻ thực hành xanh đặt tại các gian hàng trong chợ.
Về nội dung tuyên truyền: Qui định phân loại rác; Cách nhận biết về các loại rác, mục đích, ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn. Nội dung cam kết phân loại rác thải tại nguồn, chế tài xử phạt vi phạm. Tiếp tục tuyên truyền giảm thiểu sử dụng túi nilon, hạn chế sử dụng đồ dùng nhựa một lần; Xây dựng mô hình dân vận khéo: mô hình chợ không rác, lựa chọn tổ ngành hàng thí điểm từ đó lan tỏa đến tất cả các ngành hàng trong chợ.
- Bổ sung thêm thùng rác cỡ nhỏ 60L có màng lọc dầu thừa phía trên miệng thùng để đựng riêng rác thực phẩm bên cạnh thùng rác tái chế ( số lượng 15 thùng) để bà con kinh doanh và khách thăm quan ăn uống xong có thể phân loại ngay vào thùng rác, tách riêng rác thực phẩm với rác khô trong chợ.
- Với rác tái chế ( nilon sạch, bìa có thể bán hoặc thu gom riêng) đặt 3 thùng thu gom lớn tại 2 đầu cầu thang 13,14 nối 2 tòa A và B tại tầng 2 và tầng 3. Tầng 1 sẽ đặt 01 thùng tại khu vực gầm cầu thang 15 (bãi trông giữ xe CBCNV)